20-11: Thế nào là “tôn sư, trọng đạo”, cách bồi dưỡng nhân tài từ góc nhìn phong thủy

“Tôn” có nghĩa là nâng cao lên, kê cao lên. “Sư” là thầy. “Thầy” là người chỉ bảo cho ta một thứ gì đó. “Tôn sư” nghĩa là đặt người thầy lên cao hơn mình, cũng đồng nghĩa với việc bản thân phải hạ thấp đi một chút. Nhưng tại sao lại phải “tôn sư”? Vì đâu cần “trọng đạo”?
Bất kỳ ai cũng có thể là “sư”, vì “sư” là “thầy”, thầy là người hiểu biết hơn mình một thứ gì đó. Rõ ràng bác nông dân sẽ là “thầy” của ta khi nói chuyện chăn nuôi trồng trọt, chú thợ hồ sẽ là “thầy” của ta khi nói chuyện trộn vữa xây nhà, cậu coder sẽ là “thầy” của ta khi nói chuyện lập trình máy tính… Nhân bất thập toàn nên chúng ta có thể rất giỏi về lĩnh vực này nhưng lại khá mù mờ về lĩnh vực khác, cho nên trong thiên hạ, bất cứ ai ta gặp đều có thể là thầy của ta, họ chính là thầy chuyên môn. Bên cạnh những người thầy chuyên môn thì còn có những người thầy giảng dạy. Người làm nghề giảng dạy được gọi chung là thầy cô giáo. Cô cũng là thầy.
Con người hơn con vật ở tâm hồn và trí tuệ. Cỏ cây, muông thú cũng có tâm hồn nhưng nó thiếu đi cái cốt cách mà chỉ có con người mới có. Loài vật cũng có trí tuệ nhưng khả năng phát triển trí tuệ của chúng kém xa con người. Lúc nhỏ nhờ người thầy giảng dạy, lớn lên nhờ người thầy chuyên môn, hai nhóm thầy này giúp cho chúng ta nuôi dưỡng tâm hồn và tăng trưởng kiến thức. Vì thế, càng ngày loài người càng vượt năng lực của cầm thú, cỏ cây, trở thành kẻ làm chủ trên trái đất. Cũng nhờ họ mà ta thoát được khỏi cảnh lầm than, cơ cực, được làm việc, sáng tạo và hưởng thụ. Công lao to lớn ấy thuộc về những người thầy. Họ đã đã xuất hiện trong đời ta và xứng đáng được trân quý, ấy chính là lý lẽ của “tôn sư”.
“Đạo” nghĩa là đường, là con đường mà người thầy dẫn ta bỏ chỗ tối đến chỗ sáng, từ chỗ trống không đến nơi hiểu biết, từ chỗ bế tắc đến chốn hanh thông. Cho nên cần phải quan tâm, chăm sóc, bảo vệ, giữ gìn, ưu tiên con đường này, đó là hàm nghĩ của chữ “trọng”. Coi trọng con đường mà người thầy đã chỉ vẽ cho ta, dẫn dắt ta, ấy chính là ta đã tự mình đúng đắn, sẽ từng bước tiến lên trên hành trình thiên lý cuộc đời. Coi nhẹ công lao của thầy cô chính là “không trọng” con đường mà mình đang dấn bước, sớm muộn cũng sa lầy, lầm lạc, chuốc lấy khổ đau. Dù đó là thầy giảng dạy (thầy trường) hay thầy chuyên môn (thầy đời) thì “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy, đều đáng được trân trọng.
“Đạo” còn có nghĩa là bổn phận. Phận làm thầy hay phận làm trò đều phải giữ tròn chữ “đạo”. Thầy phải ra thầy, trò phải ra trò, có sự phân minh ngôi thứ rõ ràng, ứng xử chuẩn tắc. Thầy phải chuẩn mực, thành tâm, dốc hết trái tim để chỉ vẽ cho trò, cho nên cụ Đồ Chiểu đã viết “chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm” là nói đến tấm lòng bao la của người thầy. Trò phải lễ phép, cầu thị, biết ơn thầy đã cho mình hiểu biết. Vì thế mới nói “tiên học lễ” là trước hết phải tu cái thái độ, rồi mới đến “hậu học văn” là sau đó mới tiếp nạp thông tin kiến thức. Đạo thầy trò không chỉ tồn tại trong trường học mà tồn tại khắp mọi lúc, mọi nơi và trong mọi tình huống. Như trên đã nói, bất kỳ ai ta gặp đều có thể trở thành người thầy của mình và vì thế đạo thầy trò còn xuất hiện theo từng tình huống.

2. Ứng dụng phong thủy trong việc phát triển người tài

Mục đích của “tôn sư, trọng đạo” suy cho cùng là để phát triển trí tuệ và tâm hồn. Biểu thị ra ngoài về thước đo trí tuệ là sự tháo vát, đỗ đạt, chức tước, tài sản. Biểu thị ra ngoài của tâm hồn là lòng thương xót với vạn vật chúng sinh và lối sống văn minh tao nhã. Phong thủy học cũng có nhiều chủ đề nhằm thúc đẩy công danh, sự nghiệp của một con người hay cả gia tộc như chọn hướng lập mộ, chọn năm xây nhà, chọn người cộng sự…Một trong những ứng dụng để tập trung năng lực, rộng bước đường mây là kê bàn học hoặc bàn làm việc đúng phong thủy.
Phong thủy học cho rằng, mỗi căn nhà đều có những cung văn xương, văn bút. Cung văn bút tính theo bàn sao, cung văn xương tính theo mệnh chủ. Phàm là nơi có sao nhất, tứ, lục đáo đều có thể đặt bàn làm việc hay phòng đọc sách, tốt nhất là ở đó có cặp sao 1-4, 4-1, 1-6, 6-1. Thi cử trọng tứ lục, công trang trọng tham lang. Tùy theo độ tuổi và mục đích mưu cầu mà chọn sao đắc vị. Người học phong thủy đều có thể tự mình tính toán những cung này dựa vào bàn sao của công trình nhà ở.
Người chưa học phong thủy cũng có thể chọn nơi làm việc, chỗ học bài theo cung văn xương. Cung này được tính theo Can ngày sinh hoặc Can năm sinh của người đó. Người can Giáp thì văn xương ở Tỵ, người can Ất thì văn xương ở Ngọ, người can Bính và Mậu thì văn xương ở Thân, người can Đinh và Kỷ thì văn xương ở Dậu, người can Canh thì văn xương ở Hợi, người can Tân thì văn xương ở Tý, người can Nhâm thì văn xương ở Dần, người can Quý thì văn xương ở Mão.
Sau khi tìm được nơi kê bàn thì hướng quay về đâu hợp lý là được. Tốt nhất là nhìn về phía hỉ thần trong tứ trụ. Trên bàn làm việc hoặc góc văn xương nên bài trí những vật phẩm chiêu nạp tập trung, khuyến dương trí tuệ như thượng mã phong hầu, khuê văn các, tháp văn xương, ấn thăng quan, thước tiến vị. Những vật phẩm này có thể giúp cho thi cử được thuận lợi, công danh được tăng tiến. Tuy nhiên trước khi an trí cần phải chọn ngày chọn tháng cho phù hợp mới có thể công hiệu.
Đối với tổ chức như doanh nghiệp hay cơ quan công quyền thì việc tiến cử người tài cũng rất quan trọng. Hằng năm ở bốn phương tám hướng đều tàng chứa những người hiền sĩ nhưng không phải cứ tìm là có, cứ muốn là được. Mỗi năm trời đất chỉ hé mở cho người tài đức ở một phương nào đó lộ diện giúp đời, những phương còn lại đều được che kín. Năm nay mưu sĩ lộ ở Tây Nam, từ trụ sở cơ quan đi về phía này thì có thể tìm được. Cầu mong đất nước và doanh nghiệp sớm có được hiền tài, nuôi dưỡng hiền tài, trọng dụng hiền tài vì hiền tài là nguyên khí quốc gia, là báu vật của tổ chức.
Nhân dịp sắp đến Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam, xin tri ân các thầy cô giáo cũ và tất cả anh chị em đã gặp trong trong đời.
Nguyễn Hoàng.

Chuyên gia Phong thủy Nguyễn Hoàng là một trong những thầy dạy phong thủy tốt nhất Việt Nam, được biết đến như một Giảng sư đặc biệt, có khả năng biến những thuật ngữ phức tạp của cổ thư thành những khái niệm đơn giản trong đời sống. Chính vì vậy, chương trình “Phổ cập phong thủy vì cộng đồng” do Thầy khởi xướng đã được đón nhận rộng rãi thông qua các bài giảng online, các buổi tọa đàm trực tiếp và trên internet. Thầy là người tiên phong và có nhiều khóa học online nhất Việt Nam trên các nền tảng đào tạo trực tuyến về phong thủy. Vì vậy hàng vạn người học phong thủy, dịch lý, bát tự được thầy hướng dẫn từ cơ bản đến nâng cao, ai chưa biết gì cũng có thể học được, đã trưởng thành và đóng góp cho cộng đồng nhiều giá trị ý nghĩa.

Đăng ký kênh Youtube Phong Thủy Nguyễn Hoàng Để theo dõi các video mới nhất

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *