Rắn là một trong mười hai con Giáp, gắn liền với sự huyền bí, tâm linh trên khắp thế giới. Rắn là biểu tượng của linh hồn và thiêng liêng, của trường sinh và cứu độ, của sự thịnh vượng và quyền uy, của vị tha và cả sự hiểm ác. Rắn tồn tại trong các tôn giáo và tín ngưỡng dân gian từ hàng ngàn năm trước. Từ cổ chí kim, từ đông sang tây, nơi nào sự hiện diện của rắn cũng mang đầy màu sắc huyền diệu.
Rắn mang trong mình nọc độc và không phải ai cũng có thiện cảm đón nhận nhưng nó lại là biểu tượng của sự sinh sản, khôn ngoan, sức sống, trường thọ, tái sinh thông qua sự lột xác.
Rắn trong Phật giáo
Trong Phật Giáo, lúc Đức Phật thiền định dưới gốc cây bồ đề, sự dãi dầu sương gió, các thế lực ma vương đã quấy nhiễu đến sự thanh tịnh của Ngài. Trước tình hình đó, mãng xà vương Naga Mucalinda bảy đầu đã vươn mình chở che cho Đức Phật. Sau này thần Naga đã trở thành một trong những biểu tượng cho lòng trung kiên hộ trì chánh pháp và cũng là một bảo đảm cho sự an lành cho bá tánh. Ở Việt Nam, kiến trúc chùa Nam Tông có hình tượng rắn rất phổ biến. Tượng thần rắn Naga được người Khmer thể hiện trên mái chùa, mái hiên, khung cửa, cột đỡ, lan can với một thân cao lớn, dựng đứng, mồng mang, xòe bảy cái đầu, che chở từ phía sau cho tượng Phật. Điều đó cho thấy vị thế của thần rắn rất to lớn trong quá trình hộ pháp, hoằng pháp của nhà Phật.
Rắn trong Thiên Chúa Giáo
Trong thời kỳ đầu, con rắn được cho là sự hiện thân của quỷ vương Satan xảo quyệt, nó đã nó tung tin giả, ngụy ngôn, dụ dỗ Eva ăn trái cấm, rồi Eva lại đưa trái đó cho Adam. Vì nghe tin lời con rắn, cả hai ắn trái này và có được nhận thức về thiện ác, là mầm mống cho sự bất mãn và chống đối lại Chúa Trời, nên Người đã đuổi họ ra khỏi Vườn Địa Đàng để sống cuộc đời khổ ải. Sau này, người Do Thái bị rắn độc cắn rất nhiều vì đã mạo phạm đến uy linh Thiên Chúa nhưng Ngài lại tạo ra rắn đồng treo trên cây để cứu họ, hễ ai bị rắn độc cắn, chỉ cần nhìn lên rắn đồng sẽ được sống. Rắn đồng tồn tại như một sự hiển linh về lòng thứ tha mà Chúa luôn rộng mở để đón những người từng oán trách, bất trung, nổi loạn chống Người.
Rắn trong Ấn Độ Giáo
Rắn cũng là một linh vật của người Ấn Độ, trong đó rắn thần Naga là vị bảo vệ nguồn nước, giúp cho người dân mưa thuận gió hòa, sinh sôi nảy nở. Người Ấn Độ cũng cho rằng, rắn là hiện thân cho những linh hồn sống dưới đất và nước. Có những đền miếu thờ rắn và rắn thực sự là một phần không thể thiếu trong việc bảo vệ các kho báu dưới lòng đất. Hơn nữa, hai trong ba vị thần đứng đầu trong Ấn Độ giáo là thần Shiva và thần Vishnu. Tạo hình của thần Shiva thường có một con rắn hổ mang trên cổ trong khi thần Vishnu lại ngự trên một con rắn bảy đầu, đó chính là thần rắn Naga, một biểu tượng linh thiêng về sự giàu có và bất tử.
Rắn trong đức tin người Châu Phi
Ở Châu Phi, thời cổ đại, mỗi con rắn được coi là mang một linh hồn của ai đó, nên không ai dám động vào. Rắn gắn liền với sự linh thiêng, khả năng tiên tri và bói toán. Người Ai Cập cổ xưa coi rắn là biểu tượng của thánh thần, có trí tuệ và quyền lực, sức sống và sự tái sinh. Có nhiều vị thần được người Ai Cập mô tả bằng hình thức người rắn. Họ coi rắn là thần hộ mạng cho các vị vua chúa. Cho nên, trên vương miện của các Pharaoh Ai Cập, thường chạm trổ hình rắn.
Rắn trong thần thoại Hy Lạp
Theo thần thoại Hy Lạp, thần Aesclepius là con trai của thần Apollo và là cháu nội của thần Zeus, vị thần tối cao thống lĩnh các chư thần. Một lần, thần Aesclepius trên đường đi gặp một con rắn, ông đưa gậy ra đuổi thì nó liền bám vào rồi leo lên, ông đập gậy xuống đất để giết nó thì liền sau đó một con rắng khác miệng ngậm thảo dược bò tới cứu, nó đã giúp con rắn chết bỗng nhiên sống lại. Từ đó, ông đã chuyên tâm tìm các loài cây cỏ để cứu người. Sau này thần Zeus đã cho ông trở thành một vì sao trong chòm Nhâm Mã và Aesclepius trở thành thần bổn mệnh của các thầy thuốc. Các con cháu đời sau đều là các vị thần độ về sức khỏe và một hậu duệ của ông là Hippocrate được tôn vinh là bậc y tổ của thế giới. Ngày nay, con rắn cuốn trên chiếc gậy là biểu hiệu của ngành y. Con rắn cuốn trên chiếc ly có chân, đầu hướng vào miệng ly, là biểu hiệu của ngành dược.
Rắn trong tâm thức của người Việt
Người xưa quan điểm một số loài rắn có bí quyết lột xác trường sinh nên và thường ẩn mình tu luyện. Sau nhiều năm, nhiều kiếp, có những con mãng xà to lớn, màu sắc sặc sỡ, dũng mãnh thần kỳ, người trần tục cho rằng nó đã tu luyện thành tinh nhưng cõi tâm linh gọi đó là đắc quả. Nhiều điển tích cho thấy, khi rắn tu đắc quả, sẽ có những viên ngọc trong đầu, ai hữu phúc sở hữu ngọc này thì có thể nghe thấy tiếng nói của loài vật. Câu chuyện Dã Tràng cứu cả nhà rắn và được rắn chúa nhả ngọc trả ơn đã giúp cho Dã Tràng nghe được các loài côn trùng, muông thú loan tin về một trận đại hồng thủy, nhờ đó mà giúp cho cả huyện được thoát nạn.
Rắn cũng là vật linh được kể lại trong nhiều truyền thuyết. Có những người mẹ bỗng một ngày gặp mộng, giông gió nổi lên, rồi có con thuồng luồng hay giao long quấn lấy, sinh ra một vị tướng quân hay hoàng tử nào đó. Những thần tích này được ghi lại rải rác trong chiều dài lịch sử đền miếu của người Việt. Hiện trên cả nước có hàng trăm ngôi đền thờ liên quan đến rắn và thực tế có nhiều hang động, đình đền, miếu phủ thỉnh thoảng vẫn có những tin đồn về dấu vết xuất hiện của rắn thần. Trong Đạo Mẫu, hình tượng linh xà quấn trên mái nhà để bảo vệ cho điện thờ được tôn nghiêm cũng rất phổ biến. Và các vị thần xà trong Đạo Mẫu là một trong những biểu hiện đỉnh cao về tín ngưỡng thờ rắn ở Việt Nam.
Nguyễn Hoàng
Chuyên gia Phong thủy Nguyễn Hoàng là một trong những thầy dạy phong thủy tốt nhất Việt Nam, được biết đến như một Giảng sư đặc biệt, có khả năng biến những thuật ngữ phức tạp của cổ thư thành những khái niệm đơn giản trong đời sống. Chính vì vậy, chương trình “Phổ cập phong thủy vì cộng đồng” do Thầy khởi xướng đã được đón nhận rộng rãi thông qua các bài giảng online, các buổi tọa đàm trực tiếp và trên internet. Thầy là người tiên phong và có nhiều khóa học online nhất Việt Nam trên các nền tảng đào tạo trực tuyến về phong thủy. Vì vậy hàng vạn người học phong thủy, dịch lý, bát tự được thầy hướng dẫn từ cơ bản đến nâng cao, ai chưa biết gì cũng có thể học được, đã trưởng thành và đóng góp cho cộng đồng nhiều giá trị ý nghĩa.