Lạc Long Quân và Âu Cơ là hai nhân vật có thật. Điều này được chúng tôi xác tín trong chuyến đi tới Cà Mau hôm qua. Theo dòng long mạch, từ Tp HCM qua Bến Tre, Sóc Trăng rồi chảy về đất Mũi, chúng tôi lần lượt tới các tỉnh trên rồi đến Cà Mau lúc 10h sáng để làm nốt công đoạn cuối cùng cho tuyến mạch. Đây là mạch Thổ, rất to và quan trọng. Sự thoát long duyên hải của Miền Nam đều trông cả ở điểm này.
Đón chúng tôi là một vị thần chừng năm mươi tuổi, mặc khố nâu, da ngăm đen, tay cầm xà trượng vàng, trên đầu đội mũ ba ngai, giống như những vị vua của bộ lạc cổ. Đó chính là Vua Cha Lạc Long Quân. Bên cạnh ông là Mẹ Âu Cơ khoác chiếc áo dài màu xanh lam, trên đầu cũng đội vương miện ba ngôi, một tay cầm con cá vẫy vẫy, tay kia cầm một nhánh cây của vùng ngập mặn.
Theo lời khai thị, vua Cha quê miền ven biển, trong khi Mẹ Âu Cơ lại ở vùng sơn cước. Hai người sinh được khoảng hai mươi lăm người con, có cả sinh đôi, sinh ba, chứ không phải trăm con như truyền thuyết, cũng không phải năm mươi nữ và năm mươi nam. Nơi sinh sống của họ ở vùng trung du, cỡ Phú Thọ bây giờ. Ngài vốn là người đứng đầu một bộ lạc. Tôi sững sờ nghe Cha giải thích, bước đầu có biện giải về sự tích trăm trứng nở trăm con.
Ngài lại nói, sau này, vì mưu sinh và để mở mang hiểu biết, một số người con theo Cha đi về phía biển. Dọc đường, nếu thấy đất hợp lòng ai, người con đó sẽ dừng lại để sinh cơ lập nghiệp. Cũng có những người con đi xa hơn, đến tận đất Cà Mau ngày nay. Riêng Ngài chỉ đi đến vùng Quảng Bình, Quảng Trị, nơi Trường Sơn đứt gãy, thì dừng lại. (Tôi tự hỏi, phải chăng khi đã thành thần, con của Ngài từng đi được đến đâu thì sau này nước non sẽ mở cõi đến đó?)
Những người con khác ở lại với Mẹ, rồi tiến dần đến các vùng đồng bằng, đồi núi xung quanh. Người con cả xưng vua lập quốc, khai lập triều đại Hùng Vương. Ngài nói có bốn người con trai nối nhau làm vua, còn các đời sau là đồ tử đồ tôn của họ. Mẹ Âu Cơ thường ở một trong hai ngôi đền nhỏ ở vùng núi phía Bắc (Tôi chưa xác định được chính xác địa điểm nào), trong khi cha Âu Cơ ngự ở miền Nam và Phú Thọ.
Cha nói ông hiện giờ ngự chính ở Cà Mau, hai ông bà đang kiến thiết ở đây để chuẩn bị cho vài trăm năm nữa. Đến thời gian đó, vùng Tây Nam Bộ sẽ ngập xuống khá nhiều, đất đai thu hẹp và một thành phố nổi trên nước sẽ được xây lên, không còn phụ thuộc vào đất liền nữa. Theo hướng Ngài chỉ, chúng tôi thấy nhiều tàu thuyền đang thao luyện ngoài khơi, rất nhộn nhịp. Cái quan trọng ở đây là phải xây dựng nhiều trường học và chính sách tốt, chứ sản vật vùng này dễ lắm – Ngài nhắc nhở dặn dò.
Cuộc kỳ ngộ này giúp tôi xác thực và củng cố niềm tin vào câu chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ là hoàn toàn có thật. Hôm nay, được các Ngài nói cụ thể hơn và giải thích gốc gác rõ ràng. Thế mới biết Thần Nhân được hậu thế phụng thờ không phải vô căn cứ. Bằng cách nào đó, các Ngài đã lưu truyền được lịch sử của mình dẫu đại để cũng đã được dân gian thần thoại hóa. Hi vọng bài viết này sẽ là một nguồn tin thú vị để các nhà sử học tham khảo nghiên cứu.
Sau một hồi trò chuyện, thông mạch rồi bàn giao, chúng tôi tiếp tục hành trình đến Lăng Ông Nam Hải, nơi thờ Thần Cá Voi cứu độ ngư dân. Trên đường đi, chúng tôi men dọc theo sông Ông Đốc để vào thị trấn vùng cửa biển. Theo lịch sử, cách đây khoảng trăm năm, xác một cá voi dài chừng hai chục mét đã dạt vào bờ. Người dân lập đền thờ để được Ông Cá phù trì cho mỗi lần đi biển. Trong đền có nhiều xương cá rất lớn được bảo vệ và thờ phụng trang nghiêm.
Chúng tôi được Thần Cá hiện hình trò chuyện. Đó là một cụ cá dài, da xám đen, miệng rộng hơn một mét, mắp hấp háy, trên đầu đội vương miện màu vàng, đuôi vẫy vẫy, rất hiền lành và hoan hỉ. Cụ nói đã tu luyện thành tinh từ một ngàn năm trước, đắc quả thành thần và trở thành vị vua quản vùng sông biển nước ta. Cụ đã chứng kiến ba lần thay đổi đại long mạch nhưng lần này có sự hỗ trợ của người trần nên hiệu ứng sẽ đến nhanh hơn, âm dương, nhân thần các cõi sẽ giao hòa gần gũi.
Đối với biển cả, Ngài đứng đầu vùng biển VN, ngự chính ở đây, tức Đền Lăng Ông Nam Hải, thị trấn Sông Đốc, Cà Mau. Ngoài ra, hai phó tướng của Ngài ngự ngoài miền Bắc, một ở đền Thanh Hóa và một ở đền Quảng Ninh. Người dân đi biển, làm kinh tế biển, vận tải biển, khai thác biển nên đến những chỗ này để cầu nguyện. Tôn hiệu khi xưng tụng với Ngài là Đại Đức Ông Long Hải hoặc Long Hải Đại Vương, sẽ được độ trì.
Long mạch ở đây có sự hợp lưu từ Cần Thơ, An Giang về tụ hội. Mạch mang hành Thủy, là điểm thoát long cho cả vùng tứ giác Long Xuyên rộng lớn. Một khi đã dẫn được long lai, thì cần thông long khứ thì mọi việc mới có thể hanh thông. Cụ Cá nắm giữ mạch này, nay được chúng tôi về đây hỗ trợ, Cụ vui lắm, cười ngoác cả cái miệng rộng, mắt hấp háy liên hồi, đuôi dập dờn ve vẩy. Cụ quản về ngư hải, bước đầu nhận thêm cả nông nghiệp và quản lý con người. Ai thành tâm đến cầu ắt dễ được như ý.
Chuyến đi của chúng tôi lần này còn một điểm nữa ở Cần Thơ. Lưu luyến chia tay, hẹn ngày tái ngộ.
Nguyễn Hoàng
Chuyên gia Phong thủy Nguyễn Hoàng là một trong những thầy dạy phong thủy tốt nhất Việt Nam, được biết đến như một Giảng sư đặc biệt, có khả năng biến những thuật ngữ phức tạp của cổ thư thành những khái niệm đơn giản trong đời sống. Chính vì vậy, chương trình “Phổ cập phong thủy vì cộng đồng” do Thầy khởi xướng đã được đón nhận rộng rãi thông qua các bài giảng online, các buổi tọa đàm trực tiếp và trên internet. Thầy là người tiên phong và có nhiều khóa học online nhất Việt Nam trên các nền tảng đào tạo trực tuyến về phong thủy. Vì vậy hàng vạn người học phong thủy, dịch lý, bát tự được thầy hướng dẫn từ cơ bản đến nâng cao, ai chưa biết gì cũng có thể học được, đã trưởng thành và đóng góp cho cộng đồng nhiều giá trị ý nghĩa.