Nên cúng Giao Thừa hay cúng Lập Xuân? Lý giải từ chuyên gia phong thủy Nguyễn Hoàng

Năm nay Lập xuân vào ngày 25 Tết, trước Giao thừa đúng 05 ngày. Có người cho rằng nên cúng Lập Xuân mà bỏ cúng Giao Thừa. Có người lại nói nên cúng Giao Thừa mà không cần cúng Lập Xuân. Vậy Lập Xuân và Giao Thừa có mối liên quan như thế nào? Chuyên gia Phong thủy Nguyễn Hoàng sẽ giải thích đôi điều cùng bạn đọc.

Lịch nông vụ của người xưa căn cứ vào tiết lệnh, là lệnh khởi đầu cho một tháng mà tháng đó có sự đặc trưng về quy luật thời tiết. Người ta phải bám vào nó để lên lịch cấy cày, gieo trồng, chăn thả vừa để tận dụng được đúng chu kỳ mưa nắng lại có thể tránh được thiệt hại do từ thiên nhiên. Cụ thể là:

Tháng Giêng: Bắt đầu từ tiết lệnh Lập Xuân, trời dần ấm lên, vạn vật sinh sôi, trăm hoa đua nở, ong bướm dập dìu, ra đồng cấy lúa, báo hiệu một chu kỳ sự sống mới trong năm.

Tháng Hai: Bắt đầu từ lệnh Kinh Trập, lúc này bướm đã đẻ trứng trong kén, nở rộ thành sâu, người dân cần chuẩn bị tinh thần để ngăn ngừa sâu bệnh phá hoại mùa màng.

Tháng Ba: Bắt đầu từ lệnh Thanh Minh, trời quang mây tạnh, băng giá kết thúc, là lúc cây cối phát triển đến mức cường thịnh, cần phải chặt bỏ cho gọn gàng, diệt cỏ để cho lúa có đất mà ra hạt.

Tháng Tư: Bắt đầu từ lệnh Lập Hạ, là nắng bắt đầu lên, nhiệt độ tăng dần, cần phải dẫn nước tưới tiêu để cho lúa đủ sức trưởng thành, trổ bông chuẩn bị phòng chống hạn.

Tháng Năm: Bắt đầu từ lệnh Mang Chủng, cây lúa đã trổ bông mạnh mẽ, cần phải tăng cường tưới tiêu dưỡng lúa, chờ ngày thu hoạch.

Tháng Sáu: Bắt đầu từ lệnh Tiểu Thử, trời khá nóng, oi bức và khó chịu trước khi vào mùa cao điểm.

Tháng Bảy: Bắt đầu từ lệnh Lập Thu, nắng có xu hướng giảm, khí lạnh của mùa đông đã bắt đầu nhen nhóm.

Tháng Tám: Bắt đầu từ lệnh Bạch Lộ, là lúc từng đàn cò trắng từ phương bắc bay về phương nam để tránh rét, cho biết mùa lạnh đang được khuếch tán từ bắc xuống nam.

Tháng Chín: Bắt đầu từ lệnh Hàn Lộ, phía bắc đã lạnh lắm rồi, một số loài bắt đầu ngủ đông, phương nam cũng chuyển sang mát mẻ và gió heo may xuất hiện.

Tháng Mười: Bắt đầu từ lệnh Lập Đông, chính thức bước vào vụ rét.

Tháng Mười Một: Bắt đầu từ lệnh Đại Tuyết, băng giá phủ kín núi cao, người dân cần phải che chắn vật nuôi, bảo vệ hoa màu trước sự tàn phá của tuyết.

Tháng Mười Hai: Bắt đầu từ lệnh Tiểu Hàn, là khởi đầu cho một tháng rét cao độ, báo hiệu mùa đông gần tàn, kết thúc một chu kỳ mười hai tháng.

Thực chất, tiết lệnh chỉ kéo dài 15 ngày đầu tháng, gọi là “tiết”, 15 ngày cuối tháng gọi là “khí”, “tiết khí” là danh từ ghép lại mà thôi.

Ít người biết rằng, lịch tiết khí hoàn toàn dựa vào dương lịch, tức là vị trí của trái đất so với vị trí của mặt trời trong vòng quay của nó. Khi trái đất quay được cứ mỗi 15 độ quanh mặt trời thì dưới sự ảnh hưởng của khoảng cách, nhiệt độ, lực hấp dẫn mà gây ra những sự biến đổi về thời tiết. Một cách mặc định, tuyệt đại đa số tiết Lập Xuân rơi vào ngày 04/02 dương lịch, thi thoảng mới trễ sang ngày 05/02, các tiết khác cứ cách 15 ngày mà định vậy.

Còn về Giao Thừa, tháng âm lịch lại tính theo vòng mặt trăng, gọi là “nguyệt lệnh”. Người ta thường quan tâm đến ngày “sóc – vọng” tức là ngày mùng một và ngày rằm. Sóc” có nghĩa là bắt đầu, khởi điểm. “Vọng” có nghĩa là nhìn xa, cách xa. Ngày sóc là khởi đầu cho một tháng, đó là khi mặt trời, mặt trăng và trái đất cùng trên một đường thẳng. Ngày vọng là giữa tháng, khi mà trăng ở xa trái đất nhất, chính là ngày rằm. Rõ ràng, ngày tiết khí phụ thuộc vào mặt trời và trái đất trong khi ngày sóc vọng lại có sự xuất hiện của mặt trăng nên hiếm khi có sự trùng khớp giữa ngày sóc vọng và ngày tiết khí.

Từ đó suy ra, việc chênh lệch giữa ngày Lập Xuân và ngày Giao Thừa là hoàn toàn bình thường, chẳng có gì phải suy nghĩ cả. Tuy nhiên, sự chênh lệch này đã gây ra nhiều tranh cãi trong hàng ngàn năm qua giữa các trường phái chiêm tinh, luận đoán. Ngay cả việc phân công quan Hành Khiển và sao Niên Lệnh cũng thuộc hai hệ thống chi phối khác nhau. Vì vậy, cần có sự kết hợp hài hòa để tránh sự suy diễn sai lệch không cần thiết. Nên nhớ rằng, Thần và Sao là hai hệ thống khác nhau nhưng có mối liên hệ tương ứng. Ai cúng giao thừa cứ cúng, ai cúng lập xuân cứ làm, tất cả đều nên vì đó là một cách thể hiện sự cung kính giữa con người với tạo hóa để cầu mong cho năm mới an lạc, hùng cường. Câu hỏi cuối cùng là nếu Lập xuân đến trước Giao thừa thì có cần phải cúng Giao thừa nữa không? Quan điểm của tôi là vẫn cúng như bình thường. Và nữa, cúng Giao Thừa là một phong tục lâu đời, có ý nghĩa rất lớn với mỗi dòng họ, gia đình, không thể bỏ qua.

Nguyễn Hoàng

Chuyên gia Phong thủy Nguyễn Hoàng là một trong những thầy dạy phong thủy tốt nhất Việt Nam, được biết đến như một Giảng sư đặc biệt, có khả năng biến những thuật ngữ phức tạp của cổ thư thành những khái niệm đơn giản trong đời sống. Chính vì vậy, chương trình “Phổ cập phong thủy vì cộng đồng” do Thầy khởi xướng đã được đón nhận rộng rãi thông qua các bài giảng online, các buổi tọa đàm trực tiếp và trên internet. Thầy là người tiên phong và có nhiều khóa học online nhất Việt Nam trên các nền tảng đào tạo trực tuyến về phong thủy. Vì vậy hàng vạn người học phong thủy, dịch lý, bát tự được thầy hướng dẫn từ cơ bản đến nâng cao, ai chưa biết gì cũng có thể học được, đã trưởng thành và đóng góp cho cộng đồng nhiều giá trị ý nghĩa.

Đăng ký kênh Youtube Phong Thủy Nguyễn Hoàng Để theo dõi các video mới nhất

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *