Phân biệt “mồ” và “mả” và nghi thức “cải táng” theo phong tục Việt Nam

Mồ và mả là hai thuật ngữ khá quan trọng trong phong tục đời sống của người Việt Nam, vậy sự khác nhau giữa hai thuật ngữ đó là thế nào, làm sao để phân biệt biệt được?

Phân biệt giữ Mồ và Mả

Khi có người chết nằm xuống, vì lý do nào đó như tình thế cấp bách, điều kiện kinh tế khó khăn hoặc chưa chuẩn bị được nơi an nghỉ tốt, thì người ta chọn giải pháp chôn tạm. Phần đất đắp lên chỗ người chết có dáng dài theo hình người. Đó chính là “mả”.

Nói một cách khác, “mả” dùng cho trường hợp “hung táng”, tức là một nghi thức chôn cất tạm thời người đã mất. Sau một thời gian, từ ba đến chục năm, tùy theo kết cấu đất ảnh hưởng đến tốc độ phân hủy của xác và phong tục vùng miền mà người ta đào lên, nhặt lấy xương cốt, tìm nơi an nghỉ vĩnh hằng để chôn lại, gọi là nghi lễ “cải táng” hay còn có tên là “cải mả” hoặc “sang cát”.

Xương cốt được đựng vào một cái tiểu sành, kích thước nhỏ gọn, nên phần đất đắp lên có cấu trúc hình tròn, gọi là “mồ”. Như vậy, “mồ thì tròn, còn mả thì dài”. “Mồ” chính là “mả” đã được cất bốc và có tính ổn định lâu dài so với “mả”.

Ngày xưa, những bậc vua chúa hay giới thượng lưu thường chuẩn bị hậu sự kỹ càng nên không có tục “cải mả” mà họ thường đào sâu chôn chặt, kèm theo nhiều đồ tùy táng quý báu như quan tài làm bằng gỗ ngọc am, chôn theo lụa là, châu báu, trong quan ngoài quách, vĩnh viễn không bao giờ đào lên.

Ngày nay, điều kiện kinh tế tốt hơn, nên con cháu thường xây mộ đẹp. Có nhà cải táng vài lần thì sẽ dùng mả đất. Có nhà xây sẵn các sinh phần (tức mộ chờ hay huyệt thạch) thì ốp luôn gạch đá khi chôn xuống. Về mặt phong thủy, khó có thể nói cách làm nào tốt hơn, cần phải khảo sát thực tế, gieo quẻ hỏi thần cho từng ngôi mộ mới có thể trả lời được.

Vì sao có tục cải táng?

Có ba lý do thường gặp để người ta thực hiện cải táng cho người đã khuất:

Một là lúc chết chưa chuẩn bị kỹ nên chỉ làm hung táng, nay chọn được đất lành ngày tốt thì đào lên táng lại cho sạch sẽ, chu đáo, giúp người chết được yên nghỉ ngàn thu.

Hai là đã cải táng rồi nhưng nay muốn quy tập mồ mả về quê hương bản quán hoặc đến một nơi có thế đất đẹp hơn để tiện cho hậu nhân hương khói.

Ba là gia cảnh bần hàn, suy bại, gặp nhiều chuyện không hay, mãi không thấy đổi thay thịnh vượng, nay muốn cải táng mộ phần đến nơi cát địa, những mong con cháu sớm được ngẩng đầu với thiên hạ.

Đọc thêm về TẦM SOÁT PHONG THỦY MỘ PHẦN

Nghi thức cải táng thế nào cho đúng?

Bước 1: Tìm thầy phong thủy, dịch lý gieo quẻ hỏi về mộ phần, nếu mộ suy thì nên cải táng, nếu mộ vượng thì nên để nguyên.

Bước 2: Nhờ thầy phong thủy, dịch lý chọn ngày giờ động thổ, phạt mộ, bốc cốt, di quan, hạ huyệt.

Bước 3: Thắp hương dâng lễ, kính cáo tổ tiên, bẩm tấu kế hoạch di dời phần mộ.

Bước 4: Sắm sanh lễ nhỏ xin phép thần linh nơi đào mộ và nơi an táng mới.

Bước 5: Xây dựng nghĩa trang, mộ chờ để chuẩn bị đến ngày an táng. Việc này vô cùng quan trọng, nhất là mộ chờ cần phải có thầy phong thủy chỉ điểm độ sâu, độ rộng, độ cao, độ dài và quy cách. Muốn thế, thầy phải đến tận nơi đo đạc, khảo sát từ trước mới có thể chỉ điểm, không thể hướng dẫn từ xa, sẽ nhiều sai sót. Theo phong thủy âm trạch, thành hay bại, hung hay cát nằm ở chỗ này.

Bước 6: Chuẩn bị khăn tang, tiểu sành, rượu trắng, vải đỏ, vải bạt dao, kéo, cuốc, thuổng, tiền vàng, nhang, đèn, trà, quả, lễ mặn ngọt tùy tâm.

Bước 7: Đến ngày bốc mộ, nếu mộ kiên cố thì phạt mộ, đào đất từ trước, chờ đến giờ bốc cốt. Phía trên căng bạt che sương mưa.

Bước 8: Đến giờ bốc mộ, gia chủ mặc tang phục, phủ lớp vải đỏ vào lòng tiểu sành, lót một ít tiền vàng, đánh dấu phía nào đầu, phía nào chân, rồi tiến hành cậy nắp quan tài. Khi nắp quan tài vừa hé thì tránh ra xa vài mét trong khoảng chục giây để tránh bị khí độc xâm phạm. Sau đó cẩn thận bốc từng mẩu xương, cho vào rượu rửa hai lần rồi xếp đúng trình tự xương sang tiểu quách. Nhất định phải nhặt hết xương, không được sót mẩu nào và phải xếp đúng thứ tự trên dưới, trái phải, không được lẫn lộn. Cuối cùng cuốn vải đỏ bọc lại, rồi đậy nắp tiểu sành, thắp hương, gọi hồn, chờ đến giờ di quan.

Bước 9: Đến giờ di quan, cần có 4 người cầm bốn góc tấm bạt để che bên trên, tiểu sành cho đầu đi trước, chân đi sau đến nơi huyệt mới. Giờ hạ huyệt rất quan trọng, giống như giờ nhập trạch của người sống vậy. Việc này cần được thầy phong thủy chọn cho từ trước, nhất thiết không nên tự mình tra cứu trên mạng hay sách vở, dễ gặp sai lầm. Khi đặt tiểu xuống phải đúng hướng thầy phong thủy đã chỉ, không được lệch một độ nào, vì thế cần chuẩn bị la bàn trước khi an táng. Mặt đất trong lòng mộ khi hạ tiểu xuống không được nhấp nhô, tránh sỏi đá làm cập kênh, xê dịch.

Bước 10: Sau khi lấp đất và xây hoặc ốp đá lên trên, việc này không nhất thiết phải làm ngay lúc đó mà có thể thực hiện vào những ngày kế tiếp cũng được. Hình dáng, màu sắc, hoa văn, quy cách mộ nổi cần tuân thủ các thông số mà thầy phong thủy đã khuyến cáo theo chuẩn phong thủy âm trạch.

Bước 11: Cải táng xong, cần về nhà thắp hương, dâng lễ, có mâm cơm cúng kiếng tổ tiên và cho người đã khuất.


    Tên của bạn:
    Số điện thoại:
    Ghi chú thêm nếu bạn sinh sống ở nước ngoài:

    Chuyên gia Phong thủy Nguyễn Hoàng là một trong những thầy dạy phong thủy tốt nhất Việt Nam, được biết đến như một Giảng sư đặc biệt, có khả năng biến những thuật ngữ phức tạp của cổ thư thành những khái niệm đơn giản trong đời sống. Chính vì vậy, chương trình “Phổ cập phong thủy vì cộng đồng” do Thầy khởi xướng đã được đón nhận rộng rãi thông qua các bài giảng online, các buổi tọa đàm trực tiếp và trên internet. Thầy là người tiên phong và có nhiều khóa học online nhất Việt Nam trên các nền tảng đào tạo trực tuyến về phong thủy. Vì vậy hàng vạn người học phong thủy, dịch lý, bát tự được thầy hướng dẫn từ cơ bản đến nâng cao, ai chưa biết gì cũng có thể học được, đã trưởng thành và đóng góp cho cộng đồng nhiều giá trị ý nghĩa.

    Đăng ký kênh Youtube Phong Thủy Nguyễn Hoàng Để theo dõi các video mới nhất

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *